Thông báo của tôi

Nguồn cung phân đạm thắt chặt, dấy lên lo ngại mới

Nguồn cung phân đạm thắt chặt, dấy lên lo ngại mới

Người đứng đầu tập đoàn phân bón hàng đầu thế giới Yara International bày tỏ lo ngại sản lượng lương thực thế giới sẽ chựng lại khi nguồn cung phân đạm vẫn bị thắt chặt.

Ông Svein Tore Holsether, Chủ tịch tập đoàn phân bón hàng đầu thế giới, Yara International cho biết: “Chúng tôi đặc biệt quan ngại đến tình trạng nông nghiệp toàn cầu hiện nay, khi nguồn cung các loại phân bón đang bị thắt chặt do các nhà sản xuất đồng loạt cắt giảm sản lượng, khởi nguồn từ giá khí đốt tự nhiên tăng cao”.

Điều lo lắng này đang xảy ra trong bối cảnh được ông Holsether mô tả là “một cuộc khủng hoảng lương thực đang leo thang”.

Theo ước tính của cơ quan Nghiên cứu Kinh tế, thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ, thế giới có khoảng 1,3 tỷ người bị mất an ninh lương thực ở 77 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trong năm 2022, tăng 10% so với năm ngoái do đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Nông dân trên khắp thế giới có thể sẽ tiếp tục phải cắt giảm tỷ lệ bón phân đạm cho cây trồng, do giá nguyên liệu đầu vào của loại vật tư quan trọng đối với mùa màng này vẫn đứng ở mức cao. “Trong khi đó, nguồn cung cấp lương thực của thế giới sẽ không thể được duy trì nếu không có nitơ”, ông Holsether nói.

Theo nhà sản xuất phân bón khổng lồ Na Uy, năng suất lương thực toàn cầu ước tính sẽ bị sụt giảm khoảng 43% trong một năm nếu không có đủ phân đạm bón vào đất. Điều này hiển nhiên là sẽ không xảy ra nhưng chắc chắn là sẽ tiếp tục có sự cắt giảm về công thức bón phân sẽ được nông dân khắp nơi áp dụng, do nguồn cung bị thắt chặt.

Các chuyên gia phân tích trong ngành cho biết, hoạt động sản xuất phân bón các loại, đặc biệt là phân đạm (nitơ, urê) vẫn đang bị cắt giảm mạnh ở Liên minh châu Âu (EU), khu vực cung cấp 15% sản phẩm phân đạm thành phẩm của thế giới. Thống kê có khoảng một nửa công suất sản xuất của các nhà máy phân bón ở EU đã tạm ngừng hoạt động do các biện pháp trừng phạt và hạn chế của Nga đối với nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho toàn khu vực.

Hiện giá khí đốt giao ngay tại EU đã tăng tới 248% so với quý 3 năm 2021.

Ông Holsether cho biết: “Các thị trường quen thuộc của Yara chưa bao giờ khó khăn hơn những gì chúng ta đã chứng kiến trong vòng 12 tháng qua với chi phí sản xuất ở châu Âu leo lên mức cao nhất mọi thời đại. Chi phí sản xuất phân urê có thời điểm tăng lên đến 1.500 USD / tấn trong quý III năm nay”.

Theo đó Yara đã chỉ hoạt động cầm chừng với 57% công suất của mình ở châu Âu trong quý 3, giảm so với tỷ lệ thông thường hơn là từ 80 đến 90%. Việc cắt giảm sản xuất mạnh tay này đã khiến 1,7 triệu tấn amoniac của Yara cùng với khoảng 900.000 tấn phân bón thành phẩm của công ty không đủ để đưa ra thị trường. Do đó khiến lượng phân bón xuất khẩu của tập đoàn Yara đã giảm 26% so với quý 3 năm 2021, trong đó bao gồm cả châu Mỹ giảm 35%. Ngoài ra, nguồn cung phân bón cũng ít hơn từ Trung Quốc và một số quốc gia khác.

Tính đến thời điểm này, tại châu Âu, lượng phân bón dự trữ đang ở mức thấp trong lịch sử, trong đó nguy cơ cao xảy ra thiếu hụt phân đạm và giá tăng đột biến trong mùa đông tới, đặc biệt là nếu lượng khí đốt tự nhiên tiếp tục giảm sút.

Nga cung cấp 14% tổng lượng phân đạm của thế giới, cùng với 21% sản lượng phân kali, 23% amoniac và 46% amoni nitrat. Tập đoàn Yara cho biết, mong muốn EU đẩy nhanh việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời đảm bảo được tiếp tục tiếp cận với khí đốt tự nhiên cho lĩnh vực phân bón từ các nhà cung cấp khác, để ngành công nghiệp này bớt phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga.

 

Nguồn: Nongnghiep.vn

####

https://theme.hstatic.net/200000339367/1000870059/14/breadcrumb_bg4.png

Đang xem: Nguồn cung phân đạm thắt chặt, dấy lên lo ngại mới

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên